Ozone ngày càng được ứng dụng nhiều trong cuộc sống của chúng ta và trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản, do có nhiều ưu điểm so với các phương pháp xử lý nước nuôi trồng truyền thống khác. Ozone thường được dùng để bổ sung hoặc thay thế một hệ thống xử lý nước nuôi trồng thủy sản hiện có, việc sử dụng công nghệ ozone trong quá trình nuôi trồng thủy sản là một giải pháp nhằm giảm lượng khí ammoniac, giảm lượng khí H2S dưới đáy ao và gia tăng lượng khí oxy hòa tan, Làm tiêu hủy vi rút gây bệnh, phân hủy thức ăn thối rữa, giúp tôm hấp thụ lượng thức ăn để phát triển, và gia tăng mật độ vật nuôi. giúp giảm thiểu lượng vi rút gây bệnh và cung cấp đủ lượng oxy cho tôm, cá sinh sống dưới đáy ao nuôi, không cần sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác và tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Nước nuôi trồng thủy sản thường nhiễm các chất gì?
✔ Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp, nuôi cá trê… chứa các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+ , SO42- . Lớp bùn này có chiều dày từ 0,1-0,3m trong tình trạng ngập nước yếm khí tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như H2S, NH3, CH4, Mecaptan…gây ảnh hưởng rất lớn đến vật nuôi.
✔ Hàm lượng các chất hữu cơ cao và sự phát triển mạnh mẽ của vi sinh vật
Các ao nuôi có chứa lượng thức ăn dư thừa và các vật nuôi lột xác và lượng phân và chất bài tiết được thải ra từ các vật nuôi khiến môi trường nước trở nên phì dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển, làm cho độ pH biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi. Sau đó tảo tàn có thể tiêu hao oxy hòa tan, sản sinh ra các độc tố gây yếu hoặc chết vật nuôi. Nước mất màu, hàm lượng oxy hòa tan giảm mạnh, lượng chất hữu cơ trong môi trường càng lớn, nguy cơ nhiễm độc NH3, NO2– hay H2S càng cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chu trình chuyển hóa, sau sự cố về tảo, sẽ là sự cố về NH3 hoặc H2S. Tiếp theo sẽ là sự cố về NO2.
✔ Thuốc và hóa chất tồn dư trong quá trình cải tạo ao nuôi và quá trình kháng sinh, điều trị bệnh cho vật nuôi. Không phải nguồn nước cấp nào cũng có tính chất tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Tùy vào nguồn nước ban đầu mà nước nuôi trồng thủy sản còn có thể nhiễm một số chất như: phèn, thuốc trừ sâu và các kim loại nặng như sắt, magan,… Nếu không được xử lý đúng cách có thể sẽ là nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt.
Phương pháp xử lý nước nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ truyền thống
Trước đây và hiện tại ở một số nơi người ta vẫn còn dùng phương pháp sử dụng hóa chất (thường là chlorine và các hợp chất của chlorine) để xử lý nguồn nước nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, phương pháp này tồn tại rất nhiều những hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nuôi trồng:
Chorine có thể tác dụng với các chất hữu cơ có trong nước để tạo thành các hợp chất hữu cơ chứa clo rất độc. Khi lượng chlorine xử lý trong ao nuôi dư sẽ tác dụng lên vật nuôi và oxy hóa tế bào mang của chúng. Quá trình oxy hóa gây ra kích thích, phá hủy và làm tổn thương tế bào mang cá. Khi bị ngộ độc Chlorine, nhịp hô hấp của tôm, cá tăng mạnh, vật nuôi có thể chết do giảm oxy trong máu.
Trong môi trường giàu muối dinh dưỡng, ROCL phản ứng với NH3 hình thành các hợp chất chloramine (NH2Cl, NHCl2 hoặc NCl3), các hợp chất này bền, có thời gian lưu tồn lâu và cũng độc đối với sinh vật. Các hợp chất chloramine có tác dụng giống như NO2-, chúng phản ứng với Hemoglobine tạo thành Methemoglobine gây ra chứng bệnh máu màu nâu và làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu (cá bị nổi đầu). Do đó, không nên dùng chlorine để diệt tảo và diệt khuẩn cho ao nuôi, chlorine sẽ làm giảm sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá.
– Trong môi trường giàu xác hữu cơ, HOCl sẽ phản ứng với CH4 và các nguyên tố khác có trong nước để hình thành các hợp chất Trihalomethan (CHCl3, CHCl2Br, CHClBr2, …). Trihalomethan (THMs) là các hợp chất độc với thủy sinh vật và con người, chúng được xem là tác nhân gây bệnh ung thư ở người và động vật. Trihalomethan rất bền, chúng có thể tích tụ trong cơ thể động vật và truyền từ sinh vật này sang sinh vật khác trong chuỗi dinh dưỡng. Giới hạn của EPA (Hoa Kỳ) về hàn lượng THMs trong nguồn nước sau xử lý chlorine phải nhỏ hơn 80µg/L.
– Chlorine diệt trùng rất rộng nên các vi khuẩn có lợi trong nước và đáy ao dễ bị tiêu diệt, làm cho màu nước khó lên.
Như vậy, chlorine có hiệu quả tốt để diệt khuẩn các nhóm sinh vật kích thước nhỏ, đối với bào tử của vi sinh vật và virus thì hiệu quả xử lý không cao. Chỉ nên dùng chlorine để khử trùng nguồn nước cấp vào đầu vụ nuôi. Không nên xử lý chlorine khi trong nước ao giàu muối dinh dưỡng và chất hữu cơ vào giữa và cuối vụ nuôi trồng thủy sản.
Ứng dụng công nghệ ozone trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản
Quy trình ozone diệt khuẩn
Phương pháp xử lý nước nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ ozone cho các trang trại chăn nuôi tôm cá đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới, kết quả ứng dụng giảm bệnh và tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cho vật nuôi có năng xuất cao. Ở Việt Nam gần đây công nghệ ozone mới được biết đến nhưng chưa phổ biến.
Ozone là chất oxy hoá rất mạnh nên hoàn toàn có thể thay thế các hoá chất trong xử lý nước nuôi trồng. Vì đặc tính trên nên Ozone có tác dụng diệt khuẩn trong nước rất cao, nếu nguồn nước chỉ chứa vi khuẩn thì lượng ozone đưa vào chỉ cần rất nhỏ, 0,4 ppm đã có thể đạt hiệu suất sát khuẩn trên 97%. Trong nuôi thủy sản Ozone được sử dụng như chất đặc biệt trong khâu sau cùng của quá trình xử lý nước nhằm lọai bỏ vi khuẩn mà không cần đến hóa chất khử trùng để diệt khuẩn. Sục ozone trong khoảng thời gian 4 phút với nồng độ 0,4 ppm có thể tiêu diệt vi khuẩn và 99,9% khả năng hoạt động của virus…
So sách kết quả xử lý của ozone và hóa chất chlorine cho thấy chỉ cần 0,45 ppm lượng ozone sau 2 phút siêu vi trùng có thể bị tiêu diệt, trong khi đó phải cần đến 1 ppm chlorine và thời gian tiếp xúc đến 3 giờ mới cho kết quả tương tự. Ngoài ra ozone còn có khả năng oxy hoá các hợp chất hữu cơ gây ra màu, mùi vị trong nước tốt hơn chlorine. Ngoài khả năng diệt khuẩn, ozone còn có khả năng phân huỷ các khí độc hại trong môi trường nước như: NO2-, H2S và kết tủa một số kim loại nặng Fe2+, Mn2+ …
Việc sử dụng công nghệ ozone trong quá trình nuôi trồng thủy sản là một giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nước, giảm lượng vật chất hữu cơ trong môi trường nước nuôi tăng sức đề kháng cho vật nuôi rất đảm bảo và an toàn.
Ưu điểm của việc xử lý nước nuôi trồng thủy sản bằng Ozone:
Ozone là chất khí có công thức hóa học là O3 có khả năng ôxy hóa cực mạnh. Theo các nghiên cứu, tốc độ diệt khuẩn của O3 cao gấp 3.100 lần so với Chlorine và không để lại dư lượng tồn lưu hóa chất độc hại đối với môi trường. Nhờ đó, mà nó có thể phá vỡ màng tế bào và phá hủy enzyme của vi sinh vật một cách nhanh chóng. Khả năng khử trùng của O3 cũng rất rộng, chúng có thể xử lý cả vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc và các bào tử. Chỉ cần lượng O3 trong nước (0,1 – 1 ppm) thời gian 1 – 2 phút là có thể tiêu diệt được 99% vi khuẩn có trong nước. Hơn nữa, O3 lại là chất không bền vững, phân hủy rất nhanh trong không khí và nước để tạo thành ôxy phân tử nên tôm cá ít bị ảnh hưởng. Ngoài ra, O3 còn có khả năng làm vô hiệu hóa các chất vô cơ và các kim loại nặng trong nước như sắt, mangan… . Đặc biệt, nó có thể phá vỡ dễ dàng sự liên kết các phân tử mạch vòng trong thuốc bảo vệ thực vật nên được dùng để khử dư lượng thuốc trừ sâu trong nước.
Chính nhờ những ưu điểm vượt trội mà Ozone được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản với những hiệu quả chính như:
– Tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ virus gây bệnh, khử màu các chất vô cơ và hữu cơ;
– Khử mùi hóa chất có trong nước, mùi chất hữu cơ lên men hôi thối, mùi tanh của động vật thủy sản;
– Tăng nhanh môi trường ôxy hóa giúp môi trường nước không còn ô nhiễm;
– Tăng tốc độ sinh trưởng, diệt mầm bệnh, giảm chất hữu cơ trong nước;
– Sát khuẩn; tiêu độc; làm sạch; điều chỉnh độ pH;
– Ozone được tạo ra tại chỗ giúp hạn chế tối đa việc thay nước, tránh rủi ro do mầm bệnh từ ngoài đưa vào;
– Giúp giảm lượng khí NH3, H2S dưới đáy ao và gia tăng lượng khí ôxy hòa tan giúp cho quá trình trao đổi chất của tôm trở nên dễ dàng hơn;
– Giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác.
– Làm tăng trọng lượng tôm và tăng cường độ phân hủy đối với các thức ăn thối rữa lắng đọng, nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn của tôm nuôi;
– Tỉ lệ tôm chết thấp hơn đồng nghĩa với việc năng suất sản lượng tôm trong cùng một diện tích ao nuôi
Quy trình ứng dụng công nghệ ozone trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản
Quy trình ứng dụng ozone trong ao nuôi tự nhiên:
– Xử lý đáy ao vét bớt bùn dưới đáy ao, phủ bạt, xử lý bằng vôi bột.
Bơm nước vào ao trước khi thả 10 ngày với mực nước 80cm, dùng lưới chắn cá tạp.
– Chạy máy tạo khí ozone công nghiệp liên tục 03 ngày để xử lý nước nhằm phân huỷ các hoá chất độc và diệt khuẩn. (Thời điểm này hàm lượng các chất hữu cơ trong nước thấp do đó khả năng diệt khuẩn rất cao).
– Sau khi điệt khuẩn bằng ozon ngắt máy ozone và chạy chế độ sục khí thả phân chuồng, đạm… để gây mầu nước trong vòng 7 ngày. Trong vòng 1 tháng kể từ khi thả tôm giống, hệ thống máy chỉ chạy ở chế độ sục khí trong vòng 1h vào buổi sáng sớm từ 5-6h.
– Sau tháng thứ nhất bắt đầu chạy Ozone kết hợp với sục khí, chạy Ozone trong vòng 1 tiếng sau đó tiếp tục chạy chế độ sục khí trong vòng 1 tiếng tiếp theo vào buổi sáng từ 4h-6h.
– Đến tháng thứ 3: Chạy chế độ Ozone liên tục thời gian chạy máy từ 20h tới 6h sáng.
– Theo dõi chế độ ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm bằng các vó thả ở các góc ao.
Quy trình ứng dụng ozone trong ao nuôi công nghiệp
Nước biển được bơm vào bể lắng qua hệ thống lọc sơ bộ để giảm bớt lượng chất kết tủa. Đây cũng là cách để tiết kiệm lượng Ozone phải sử dụng trong bể chứa thứ hai. Ở bể chứa thứ 2, nước được tiếp xúc với Ozone không chỉ để diệt khuẩn mà còn phá hủy các hợp chất hữu cơ độc hại. Hàm lượng Ozone nhỏ hơn 0.25mg/l sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi. Chính vì vậy, nước cần được lưu tổi thiểu 20h trước khi được đưa vào hồ nuôi. Để phát huy hiệu quả xử lý nước, thời gian tối thiểu nước được tiếp xúc với Ozone là 10 phút với hàm lượng Ozone là 0.4mg/l. Tuy nhiên, tùy thuộc vào hàm lượng các chất hữu cơ và tảo có trong nước biển con số này sẽ thay đổi từ 0.7g – 2g Ozone/m3 nước biển. Đối với tôm giống, nước còn được xử lý Ozone qua hệ thống lọc một lần nữa.
Như bài viết trên các bạn đã phần nào hiểu về ozone và ứng dụng của ozone trong nuôi trồng thủy sản để tìm hiểu thêm sản phẩm tạo khí ozone công nghiệp được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản các bạn hãy xem thêm Tại Đây nhé!